Mục Lục
Dự án Đê bao sông Măng Thít tăng vốn thêm vào giai đoạn 2
Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vừa có Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Đê bao sông Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2). Theo quyết định trên, dự án được điều chỉnh về nội dung và quy mô đầu tư; phương án thiết kế cơ sở; tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư dự án.
Về nội dung và quy mô đầu tư, dự án nâng cấp tuyến đê bao dọc 02 bên bờ sông Măng Thít với tổng chiều dài 47,253 km; chiều rộng mặt bờ B= 5,0m÷6,5m; mặt đường rộng từ 3,5÷4,5m đối với mặt đan bê tông cốt thép. Và 5,2 m đối với mặt đường láng nhựa. Cùng với đó là xây 18 cống hở và đầu tư xây mới 22 cống ngầm; xây kè chống sạt lở bờ sông có chiều 3.149,7 m.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.458,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 1.105 tỷ và nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí xây dựng trên 965 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gần 290 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 61 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. So với quyết định phê duyệt dự án đầu tư trước đây, tổng mức đầu tư tăng trên 262 tỷ đồng. Nâng tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt trước đây là trên 1.196 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án đê Măng Thít ở giai đoạn 2
Dự án đầu tư xây dựng công trình Đê bao sông Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long (giai đoạn 2) được xây dựng tại các huyện: Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn.
Trong đó, có 4 tuyến chính gồm: Tuyến đê bao từ bờ kè Tân An Luông đến Đường huyện 74 với chiều dài 9,5km; tuyến thứ hai là từ sông Trà Ngoa đến quốc lộ 54 dự kiến chiều dài 13,5km; tuyến từ thị trấn Tam Bình đến sông Patydo chiều dài hơn 2.000m; tuyến còn lại từ cống Mương Cũi đến cầu Trà Ôn với chiều dài 200m.
Mục tiêu đầu tư xây dựng công trình nhằm kết hợp đồng bộ với các công trình hiện có. Từ đó góp phần chủ động ngăn lũ, triều cường, kiểm soát xâm nhập mặn. Ngoài ra còn giúp tiêu thoát nước, bảo vệ sản xuất vùng dự án; góp phần giảm tổn thất do tác động của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, góp phần phát triển hệ thống giao thông; bảo vệ môi trường sinh thái; phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tạo cơ hội để phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần hoàn thành tiêu chí quốc gia về thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.